Người đã vâng lời cho đến nỗi phải chết
Thứ Sáu, 25-03-2016 | 16:45:16
Các trình thuật thương khó trong các sách Tin Mừng kể lại cho chúng ta những biến cố rất cảm động liên quan đến cuộc Vượt Qua của Chúa chúng ta, Đức Giêsu Kitô. Nhưng đâu là tâm tư sâu kín của Chúa Giêsu làm sợi chỉ đỏ xuyên suốt tất cả các biến cố xảy ra? Đức Giêsu đón nhận và trải qua các biến cố của cuộc thương khó với thái độ căn bản nào?
Có một lời Kinh Thánh hé lộ cho chúng ta phần nào tâm tư đó của Chúa Giêsu: sự vâng phục tuyệt đối của Đức Giêsu đối với Cha. Đây chính là chìa khoá giúp chúng ta đi vào mầu nhiệm được trình bày trong các trình thuật Thương Khó.
Thánh Phaolô viết: “Đức Giêsu Kitô đã hạ mình xuống, vâng lời cho đến nỗi phải chết, và chết trên cây thập tự” (Pl 2,8).
“Đức Giêsu Kitô đã hạ mình xuống”
Không phải chỉ trong cuộc thương khó Đức Giêsu mới hạ mình xuống. Thực ra, đó là mầu nhiệm căn bản mà Người sống từng giây từng phút. Nhưng hơn lúc nào hết, mầu nhiệm đó được chúng ta chiêm ngắm cách rõ nét trong cái chết thập giá đau đớn và ô nhục của Người.
Động từ “hạ mình xuống” (tapêinôo) có thể mang sắc thái tiêu cực khi chỉ một sự hạ mình xuống trước mặt người khác, khiến mình đánh mất phẩm giá của chính mình. Nhưng đồng thời, động từ này cũng có thể mang sắc thái hết sức tích cực khi diễn tả thái độ của con người chúng ta trước Thiên Chúa, nhất là trong việc cầu nguyện và phụng tự. Những gì được nói ở cuối câu 8 và trong những câu kế tiếp buộc chúng ta phải hiểu sự hạ mình được nói đến ở đây theo cả hai nghĩa tích cực và tiêu cực. Đó là một sự hạ mình tích cực, bởi lẽ nó được đặt trong tương quan với Thiên Chúa. Nhưng đó cũng là một sự hạ mình tiêu cực trong cái nhìn nhân loại, bởi lẽ đó là sự hạ mình trong cái chết ô nhục trên thập giá.
Mầu nhiệm mà Hội Thánh tưởng niệm và cử hành trong Tuần Thánh chính là mầu nhiệm hạ mình này của Chúa Giêsu, trong điểm mạnh mẽ và tuyệt hảo nhất của mầu nhiệm. Người hạ mình vâng phục Thiên Chúa. Người hạ mình trong hiến lễ tuyệt đối, hiến dâng chính mình cho Thiên Chúa trong hy lễ Thập Giá. Nhưng đồng thời đó cũng là mầu nhiệm Chúa Giêsu hạ mình xuống trước mặt nhân loại, chấp nhận mang lấy nơi mình những đớn đau và ô nhục khiến Người trở thành như một kẻ bị nguyền rủa và khinh khi nhất trong nhân loại này. Tính cách “kép” của mầu nhiệm Đức Giêsu hạ mình xuống là điều cần phải được ý thức và duy trì trong mọi cuộc cử hành việc tưởng niệm cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu, cách riêng trong Tuần Thánh này.
“Vâng lời cho đến nỗi phải chết, và chết trên cây thập tự”
Đây là mệnh đề cho biết cách thức Đức Giêsu sống mầu nhiệm “hạ mình xuống” của Người. Đức Giêsu hạ mình như thế nào? Đâu là điểm căn cốt trong mầu nhiệm “hạ mình xuống” đó? Thưa: “Người đã vâng lời cho đến nỗi phải chết”. Và đó là một sự vâng phục kéo dài trong suốt cuộc sống Người và đạt đến đỉnh điểm trong mầu nhiệm Thương Khó của Người.
Đáng chú ý là ở đây Thánh Phaolô chỉ nói về “độ dài” (nếu có thể nói như thế) và về “cường độ” của sự vâng lời của Đức Giêsu Kitô, chứ không nói Đức Giêsu vâng lời ai và vâng lời như thế nào. Đức Giêsu sống mầu nhiệm vâng lời này suốt đời và trọn vẹn. Nhưng Người vâng lời ai? Vâng lời Thiên Chúa và/hoặc con người? Chắc chắn sự vâng lời được nói đến ở đây phải là sự vâng lời Thiên Chúa (nếu không, những gì được nói ở Pl 2,9-11 sẽ trở thành vô nghĩa). Nhưng vấn đề là ở đây Thánh Phaolô có muốn nói đến sự vâng phục đối với con người hay không? Theo nhiều nhà nghiên cứu, có lẽ có.
Theo cách Thánh Phaolô sử dụng từ ngữ chỉ sự vâng lời, quả là đúng đắn khi nói rằng sự vâng lời của Đức Giêsu được đề cập đến ở đây có đối tượng trước hết là chính Thiên Chúa nhưng đồng thời cũng diễn tả sự vâng lời con người. Khi cố ý không xác định hiển ngôn đối tượng của sự vâng phục, mệnh đề “vâng lời cho đến nỗi phải chết” (mà chúng ta đang suy niệm đây) muốn nhấn mạnh và đề cao trước hết chính sự vâng lời của Chúa Giêsu, sự kéo dài và sự mạnh mẽ triệt để của sự vâng phục đó.
Trong suốt cuộc đời, cách riêng trong cuộc Thương Khó, Đức Giêsu luôn sống một cách triệt để sự vâng phục đối với Thiên Chúa. Đó là khía cạnh thứ nhất và khía cạnh chính yếu trong mầu nhiệm vâng phục của Đức Giêsu mà Hội Thánh cung chiêm cách đặc biệt trong Thứ Sáu Tuần Thánh này. Đồng thời, đó là sự vâng phục trong thân phận tôi đòi. Không có một khoảnh khắc nào Đức Giêsu không sống trong một sự liên đới trọn vẹn với thân phận tôi đòi và hèn hạ của người nghèo, huống nữa là trong cuộc Thương Khó của Người.
Mầu nhiệm mà Hội Thánh tưởng niệm và cử hành trong Thứ Sáu Tuần Thánh này cách đặc biệt, chính là mầu nhiệm của sự vâng hục trọn vẹn đó của Đức Giêsu. Người hoàn toàn hiến mình vâng phục Thiên Chúa trong hy lễ thập giá. “Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục” (Hr 5,8). Người trọn vẹn liên đới với thân phận những con người nghèo khổ và bị khinh khi giữa thế gian, những con người phải hoàn toàn tuỳ thuộc người khác.
Cái chết thập giá được trình bày như là đỉnh điểm của mầu nhiệm hạ mình. Đức Giêsu Kitô đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, hoàn toàn trút bỏ tất cả những gì là vẻ uy nghi của một vì Chúa. Người chấp nhận bị loại trừ và bị nhục mạ đến cùng cực trong cái chết thập giá. Cái chết thập giá là cực điểm của hành trình vâng phục của Con Thiên Chúa. Người đã đi đến tận cùng của đời sống vâng phục khi đón nhận cái chết hổ nhục nhất: “Đức Kitô đã chuộc chúng ta cho khỏi bị nguyền rủa vì Lề Luật, khi vì chúng ta chính Người trở nên đồ bị nguyền rủa, vì có lời chép: Đáng nguyền rủa thay mọi kẻ bị treo trên cây gỗ!” (Gl 3,13).
Như thế, từ địa vị Thiên Chúa vinh quang, Đức Kitô đã đi xuống tận cùng thân phận của người nô lệ để cứu độ con người bằng cách chữa lành thái độ bất phục tùng của con người. “Thật vậy, cũng như vì một người duy nhất đã không vâng lời Thiên Chúa, mà muôn người thành tội nhân, thì nhờ một người duy nhất đã vâng lời Thiên Chúa, muôn người cũng sẽ thành người công chính” (Rm 5,19).
Thật ra, mầu nhiệm hạ mình vâng phục chính là mầu nhiệm căn bản và chính yếu trong toàn bộ cuộc đời Đức Giêsu. “Khi vào trần gian, Đức Kitô nói: Chúa đã không ưa hy lễ và hiến tế, nhưng đã tạo cho con một thân thể. Chúa cũng chẳng thích lễ toàn thiêu và lễ xá tội.7 Bấy giờ con mới thưa: Lạy Thiên Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Ngài” (Hr 10,5-6). Khi bước vào cuộc thương khó, Người thưa với Chúa Cha: “Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin cất chén này xa con. Tuy vậy, xin đừng làm theo ý con, mà làm theo ý Cha” (Lc 22,42).
Vì thế, chúng ta sẽ không thể hiểu được trình thuật Thương Khó được công bố trong bài Tin Mừng hôm nay, nếu không chú ý đến mầu nhiệm vĩ đại đó.
Giuse Nguyễn Thể Hiện, C.Ss.R.
Thông tin
Chia sẻ Lời Chúa
Tìm kiếm
Bài giảng- Thánh Lễ
Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp
Tin mới
- ĐTC Phanxicô: Chúng ta sẽ không bao giờ quên được cuộc gặp gỡ với Chúa
- ĐTC Phanxicô cầu nguyện cho Indonesia sau trận động đất chết người
- Vài phản ứng về Tự Sắc trao tác vụ đọc sách và giúp lễ cho nữ giới
- Caritas châu Âu chuẩn bị thực hiện 12 dự án liên đới
- Chỉ trong một tuần qua có 10 giám mục qua đời vì Covid-19
- ĐTC Phanxicô bổ nhiệm Đức cha Gioan Đỗ Văn Ngân làm tân giám mục chính toà Gp. Xuân Lộc
- Tín hữu Iraq cầu nguyện để ĐTC có thể thăm viếng nước này
- Linh mục Philippines sắp hầu tòa sau khi phản đối chính sách ma túy của tổng thống
- Giáng sinh trong thời đại dịch, lần đầu tiên không có bào huynh, của Đức Biển Đức XVI
- Bảo tàng Vatican hy vọng mở cửa lại vào tháng 2
- Tòa Thánh kêu gọi thúc đẩy vai trò phụ nữ trong việc ngăn ngừa xung đột
- Giáo hội Hoa Kỳ tổ chức lạc quyên trợ giúp Giáo hội châu Mỹ Latinh
- Giáo dân ngày càng dấn thân hơn trong Giáo hội Áo
- Cộng Đoàn Dòng Chúa Cứu Thế Mang Yang Mừng lễ Chân Phúc Phêrô Donders Bổn mạng
- Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam xin thông báo:
- ĐTC Phanxicô và Đức Biển Đức XVI đã chích ngừa Covid-19
- Sai lệch khổng lồ giữa số tiền được cho là chuyển từ Vatican sang Úc và con số thực tế
- Liên hiệp nữ Bề trên Tổng quyền ủng hộ ĐTC cho phép phụ nữ lãnh thừa tác vụ đọc sách và giúp lễ
- Các tín hữu Pháp được mời gọi ăn chay cầu nguyện về dự luật đạo đức sinh học
- Giáo hội Ailen xin lỗi về các vụ bê bối xảy ra trong các cơ sở đón tiếp các bà mẹ đơn thân