Khi người dân lên tiếng
Thứ Hai, 25-09-2017 | 23:04:51
Sự tham gia của người dân vào các vấn đề xã hội, đang lan rộng khắp nước. Mặc dù nhiều trường hợp mới chỉ là những sự tham gia bước đầu, nhỏ lẻ và chủ yếu là liên quan trực tiếp đến một vài vấn đề dân sinh căng thẳng và cấp bách, nhưng đây là dấu hiệu người dân đã ý thức và mong muốn thực hiện quyền của họ, đồng thời bắt buộc nhà nước nâng cao năng lực quản trị, mà tiêu điểm là chống lại sự câu kết giữa doanh nghiệp và các cơ quan nhà nước.
Thời gian gần đây, đã có rất nhiều sự kiện thể hiện sự đồng loạt lên tiếng của người dân diễn ra từ Nam chí Bắc. Điều ấy một mặt thể hiện sự bất ổn trong việc quản lý và điều hành của nhà chức trách, mặt khác lại thể hiện sự tích cực: người dân đã ý thức mạnh mẽ hơn về quyền và trách nhiệm tham gia quản lý xã hội.
Phổ biến nhiều năm qua là hình thức biểu tình. Lẻ tẻ có, quy mô có, từ biến cố giàn khoan của Trung Quốc, Fomosa của Đài Loan, đến nhà cửa, đất đai… Nhưng hình thức gây ảnh hưởng mạnh mẽ và rộng khắp trong mấy tháng vừa qua có lẽ phải kể đến chuyện các nhà xe và tài xế phản đối việc thu phí cao và đặt trạm thu phí BOT sai vị trí. Các tài xế đã đồng loạt sử dụng tiền lẻ để trả phí tại các trạm thu phí, gây ùn tắc giao thông. Bộ phận thu phí buộc phải xả trạm tạm thời, và nhà chức trách cùng các bên liên quan buộc phải lưu tâm tìm hướng giải quyết.
Phong trào này có lẽ xuất phát từ trạm thu phí BOT cầu Hạc Trì, Phú Thọ 3/2016, sau đó lan rộng ra các tỉnh thành khác. Gần đây nổi cộm là trạm BOT Cai Lậy, Tiền Giang, lan ra BOT Biên Hoà, Đồng Nai, rồi BOT QL 5, Hưng Yên, và một số nơi khác. Phương thức phản đối mà các tài xế đã chọn được dư luận đánh giá là thông minh, không bạo động, không vi phạm pháp luật mà lại hiệu quả. Nó thật sự đã làm “hả hê” dư luận. Một sự “hả hê” tất yếu khi bấy lâu nay, người dân – nhất là người dân Miền Nam – vẫn quen sống trong sự “chịu vậy” trước những điều bất hợp lý.
Một hình thức phản đối khác cũng khá phổ biến trong vài năm gần đây là hình thức bãi thị của các tiểu thương để phản đối việc di dời chợ, hoặc phản đối sự vi phạm hợp đồng của ban quản lý chợ… Đã từng có bãi thị ở chợ Đầm (Nha Trang), chợ Lệ Trạch (Hoà Vang, Đà Nẵng), chợ Sấu ( Hoài Đức, Hà Nội)… Đáng để ý gần đây là sự kiện bãi thị rồi tuần hành biểu tình lớn để phản đối việc “xoá sổ” chợ Đồng Đăng (Lạng Sơn), hay phản đối việc thu chi không minh bạch, sai cam kết trong việc sửa chữa chợ An Đông (Sài Gòn).
Quảng Nam thì có sự kiện dân cắm lều bạt phía trước nhà máy thép Việt Pháp để phản đối tình trạng gây ô nhiễm tiếng ồn và khói bụi, buộc chính quyền địa phương cuối cùng phải ký quyết định di dời nhà máy này.
Hình thức “cắm lều” cũng diễn ra ở Đắk Nông để phản đối việc gây ô nhiễm của công ty ván gỗ BISON. Còn ở Thái Nguyên, Thanh Hoá, Thừa Thiên – Huế và một số nơi khác, người dân đã dùng hình thức “cắm lều” để chặn đường các xe rác, phản đối sự ô nhiễm ở các bãi rác do việc tập kết và xử lý rác không đúng quy định, gây ảnh hưởng nặng nề đến đời sống và sinh hoạt của dân cư vùng lân cận.
Tham gia xã hội và “thế chân kiềng”
Tất cả những sự kiện điểm qua trên đây chính là những hình thức tham gia của người dân vào việc giám sát, quản lý và xây dựng xã hội. Rõ ràng, sự tham gia ấy đã có sức mạnh mang lại những hiệu quả đáng kể. Bởi trong mỗi sự kiện nêu trên, khi người dân lên tiếng, các doanh nghiệp và các quan chức nhà nước có liên quan buộc phải ngồi lại tìm phương hướng giải quyết – cho dù sự giải quyết đó có những lúc chưa đi đến sự thoả đáng đôi bên.
“(…)Sự tham gia [vào đời sống xã hội của người công dân] được thể hiện chủ yếu qua một loạt hoạt động mà nhờ đó công dân, với tư cách cá nhân hay trong liên kết với người khác, trực tiếp hay thông qua đại diện, góp phần vào đời sống văn hóa , kinh tế, chính trị và xã hội của cộng đồng dân sự mà mình là thành viên. Tham gia là một nghĩa vụ mà mọi người phải chu toàn một cách ý thức, với tinh thần trách nhiệm và nhắm tới công ích” (Tóm lược Học thuyết xã hội của Giáo Hội Công Giáo, #189).
Thiện ích chung của toàn xã hội có được là nhờ sự góp phần xây dựng của tất cả công dân. Vì thế cá nhân và đoàn thể có quyền lợi và nghĩa vụ phải tham gia vào đời sống xã hội. Chính nhu cầu tham gia, trước tiên vào những việc ảnh hưởng trực tiếp cuộc sống của người dân, sẽ thúc đẩy người dân thoát khỏi sự thụ động, ơ hờ hoặc ngại va chạm trước những điều bất công, bất hợp lý khác trong xã hội.
Sự tham gia của cá nhân, hoặc các nhóm, các tổ chức dân sự có vai trò lớn lao trong việc làm lành mạnh xã hội. Bởi một mặt nó góp phần với nhà nước phát hiện những bất cập, sai trái của doanh nghiệp, mặt khác nó chống lại sự cấu kết giữa các doanh nghiệp và cơ quan nhà nước. Nhà nước, doanh nghiệp và xã hội dân sự, ba yếu tố này nếu vừa hoạt động độc lập, vừa tương hỗ lẫn nhau, sẽ tạo một “thế chân kiềng” giúp thúc đẩy xã hội phát triển bền vững.
Một xã hội thiếu vắng sự tham gia của người dân sẽ không thể kiểm soát được sự câu kết giữa quyền lực kinh tế và quyền lực chính trị, từ đó dẫn đến tình trạng tham nhũng, bất công và suy sụp về cả kinh tế, văn hoá, chính trị lẫn các giá trị nhân bản.
Thể chế chính trị độc tài sẽ luôn coi sự tham gia của người dân như một mối nguy, và thậm chí cấm đoán sự tham gia đó.
Thật đáng mừng khi người dân ngày càng ý thức rõ vai trò của mình trong việc tham gia quản lý và xây dựng xã hội. Vẫn còn đó nhiều điều bất hợp lý nặng nề. Nhưng chính sự tham gia của người dân một cách có trách nhiệm, có thiện chí, hướng đến công ích, sẽ góp phần từng bước đẩy lùi những sai phạm, đưa đất nước đến văn minh, dân chủ hơn.
Thuận Kiệt
Thông tin
Chia sẻ Lời Chúa
Tìm kiếm
Bài giảng- Thánh Lễ
Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp
Tin mới
- Thánh lễ truyền chức Phó Tế thầy Giuse Lê Thanh Huấn và G.B Nguyễn Thành Huyên DCCT VN tại Texas, USA
- Giấc mơ đại kết chưa tròn
- Sứ điệp của ĐTC Phanxicô nhân Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội năm 2021
- ĐTC công bố Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội lần thứ 55
- Hàn Lâm viện về Sự sống cảnh báo những tiêu cực trong sản xuất và phân phối vắc-xin
- Án phong chân phước cho nhà khoa học khám phá hội chứng Down đang tiến triển
- ĐHY Hollerich: Dự luật của Đan Mạch yêu cầu dịch các bài giảng là đe dọa tự do tôn giáo
- Các giám mục Hiroshima và Nagasaki ủng hộ hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân
- Cuộc trò chuyện với ĐTC Phanxicô về các nhân đức và thói xấu
- ĐTC lên án các vụ đánh bom tự sát ở Iraq và cầu nguyện cho các nhân
- Các giám mục Anh yêu cầu không chấm dứt hỗ trợ sự sống cho bệnh nhân Ba Lan đang hôn mê
- Cha Rodrigue Sanon, mất tích ở Burkina Faso, được tìm thấy đã chết
- ĐTC tặng vắc xin cho người vô gia cư
- Do đại dịch, ĐTC và giáo triều Roma không thể tham dự cuộc tĩnh chung hàng năm
- ĐTC bổ nhiệm thành viên mới cho Hàn lâm viện Tòa Thánh về Khoa học Xã hội
- Chủ tịch HĐGM Hoa Kỳ hy vọng tổng thống Biden cùng Giáo hội giải quyết nạn phá thai
- Đức Thượng phụ Giêrusalem gặp gỡ các quan chức cấp cao của Jordan
- ĐTC Phanxicô gửi thông điệp cho Tổng thống Biden nhân dịp ông nhậm chức
- ĐTC Phanxicô: Chỉ đối thoại không đủ giúp các Kitô hữu hiệp nhất - cần cầu nguyện
- Giám mục Hoa Kỳ mời gọi tín hữu tham gia tuần 9 ngày cầu nguyện cho sự sống